
Nguyên ĐBQH tỉnh Hải Dương các khóa chụp ảnh lưu niệm với
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội (12/2015)
Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam đã được tổ chức thắng lợi, đánh dấu sự khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong tất cả các khóa của Quốc hội 75 năm qua, tỉnh Hải Dương luôn đóng góp những đại biểu tiêu biểu. Tổng số ĐBQH của Hải Dương 14 khóa là 231 đại biểu (bao gồm cả đại biểu trong giai đoạn tỉnh Hải Dương trước khi hợp nhất tỉnh Hải Hưng trong thời kỳ hợp nhất và tỉnh Hải Dương sau khi được tái lập), gồm 12 ĐBQH khóa I, 18 ĐBQH khóa II, 17 ĐBQH khóa III, 32 ĐBQH khóa IV, 32 ĐBQH khóa V, 20 ĐBQH khóa VI, 20 ĐBQH khóa VII, 20 ĐBQH khóa VIII, 13 ĐBQH khóa IX, 9 ĐBQH khóa X, 9 ĐBQH khóa XI, 9 ĐBQH khóa XII, 10 ĐBQH khóa XIII, 10 ĐBQH khóa XIV. Nhiều ĐBQH đã được người dân yêu mến, tín nhiệm bầu làm người đại diện cho mình trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp. Thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, trong mỗi nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đều có những đóng góp tích cực đối với các hoạt động chung của Quốc hội và sự phát triển của tỉnh nhà nói riêng. Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương thường xuyên có những cải tiến, đổi mới trong phương thức hoạt động về xây dựng luật, pháp lệnh, về giám sát, khảo sát và tiếp xúc cử tri để nâng cao chất lượng hoạt động. Tại các kỳ họp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực trong việc xây dựng các văn bản pháp luật; phản ánh những bức xúc, kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề đang tồn tại trong xã hội; đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện
các quy định của pháp luật…
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, Quốc hội luôn rất quan tâm đến hoạt động lập pháp. Từ nhiệm kỳ khóa I đến khóa XIV, trải qua 75 năm hoạt động, ĐBQH đã tập trung công sức, trí tuệ và thời gian để thông qua và ban hành một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật gồm 5 bản Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013), hàng trăm bộ luật, luật cùng hàng nghìn nghị quyết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Qua các nhiệm kỳ Quốc hội, nhất là từ Quốc hội khoá VIII đến nay, chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Quốc hội dành nhiều thời gian cần thiết cho việc thảo luận, thẩm tra, xem xét và quyết định thông qua các dự án luật. Quốc hội đã thảo luận và ra Nghị quyết về công tác xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và cho cả nhiệm kỳ. Trong đó xác định những lĩnh vực cần ưu tiên, thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, đồng thời đề ra biện pháp để triển khai thực hiện công tác xây dựng pháp luật một cách có hiệu quả. Quy trình, thủ tục soạn thảo, thẩm tra, xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh từng bước được cải tiến, bổ sung. Lập hiến, lập pháp là chức năng quan trọng nhất của Quốc hội, do đó, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của ĐBQH. Cũng chính vì vai trò này mà Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội đều quy định ĐBQH
có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội. Trong mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đều tích cực tham gia vào công tác lập pháp của Quốc hội. Quốc hội Việt Nam hoạt động theo kỳ họp, do đó giữa các kỳ họp, việc nghiên cứu góp ý kiến của ĐBQH vào các dự án luật, pháp lệnh có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là điều kiện để ĐBQH tiếp cận vấn đề, nắm bắt, tìm kiếm thông tin, hình thành lập luận, luận chứng, quan điểm để phục vụ cho việc nghiên cứu, thảo luận, chỉnh lý, xem xét, thông qua dự án luật tại kỳ họp. Các hình thức tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cử tri vào các dự án luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương ngày một phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn như: lấy ý kiến trực tiếp tại các hội nghị, các cuộc tiếp xúc cử tri ở cơ sở; tiếp nhận ý kiến bằng văn bản, thư điện tử; lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến nội dung của dự án luật; tham khảo ý kiến của đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên ngành luật… Thông qua các hình thức đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đã thu thập được nhiều ý kiến của cử tri thuộc nhiều loại đối tượng khác nhau để phản ánh tới Quốc hội.
Bên cạnh việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, bản thân các ĐBQH tỉnh Hải Dương luôn nỗ lực trau dồi các kỹ năng tham gia vào công tác lập pháp như: thu thập các tài liệu có liên quan tới dự án luật (Các văn kiện, nghị quyết của Đảng; Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan; tài liệu tham khảo trong nước và quốc tế; bài viết, đề tài của các nhà khoa học, kết quả điều tra xã hội học; các báo cáo sơ kết, tổng kết, Hội thảo khoa học; khảo sát thực tiễn trong nước và nước ngoài; giám sát chuyên đề); xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và luật áp dụng để điều chỉnh; xác định rõ dự án luật mà ĐBQH đang xem xét đang ở giai đoạn nào của quy trình lập pháp; làm rõ những vấn đề cơ bản trong quá trình tổng kết thực hiện các quy định thuộc đối tượng mà dự án luật điều chỉnh; những kết cấu cơ bản và bố cục của một dự án luật; sự thống nhất của dự án luật với các dự án luật khác và với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành; việc tuân thủ các bước trình dự án luật tại Quốc hội theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Tại các kỳ họp Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương tích cực tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến trực tiếp tại hội trường, trong các cuộc thảo luận tổ và bằng văn bản gửi cho Quốc hội. Những ý kiến đóng góp của ĐBQH tỉnh Hải Dương đã góp phần xây dựng các văn bản pháp luật được ban hành trong thời gian qua, phục vụ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và từng bước thực hiện việc đổi mới bộ máy nhà nước, giữ gìn trật tự kỷ cương, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại theo Nghị quyết của Đảng.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến
tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII
Trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội ngày một nâng cao chất lượng của các quyết định theo hướng thực chất hơn, dựa trên những luận cứ, luận chứng khoa học nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo ra được những tác động tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm gần đây, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện để thông qua nhiều dự án, quyết định quan trọng của đất nước. Trong đó có những chính sách đột phá, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam và đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn…
Việc đổi mới cách thức thảo luận về các dự án luật, về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, về các báo cáo của các cơ quan chức năng, tăng thời gian thảo luận tại Hội trường, tăng cường tính đối thoại và tranh luận đã tạo nên không khí đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. ĐBQH tỉnh Hải Dương đã tham gia tích cực vào thảo luận, đóng góp ý kiến, chất vấn, nhất là ở các nhóm vấn đề được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng. Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đã góp phần xây dựng không khí chung của các phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tập trung, đi thẳng vào các vấn đề cần chất vấn, đúng với trọng tâm yêu cầu. Qua các phiên chất vấn, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước đã được làm rõ và các đại biểu cũng như nhân dân, cử tri cả nước đồng tình ủng hộ. Cũng qua các phiên chất vấn, các Bộ trưởng chắc chắn nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong các vấn đề đại biểu chất vấn, từ đó có hướng giải quyết tích cực nhất, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Thực hiện chức năng giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương trong những năm gần đây tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề, tập trung vào các vấn đề được cử tri quan tâm. Để hoạt động này đạt hiệu quả cao nhất, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phải chuẩn bị rất kỹ. Các vấn đề được Đoàn ĐBQH tỉnh lựa chọn để giám sát, khảo sát chuyên đề đều là những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm. Tham gia các cuộc giám sát không chỉ có các ĐBQH tỉnh mà còn mời Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, một số đại biểu HĐND tỉnh có kinh
nghiệm, năng lực, uy tín và các chuyên gia giỏi… Tuy nhiên số thành viên tham gia giám sát không quá nhiều để các thành viên đều có cơ hội phát biểu, thảo luận, đồng thời tránh phiền hà cho các cơ quan, đơn vị trong tổ chức đón tiếp, bố trí điều kiện làm việc. Trước khi tiến hành giám sát, các thành viên trong đoàn thống nhất phương pháp làm việc; gợi ý, xây dựng đề cương giám sát nhằm thu thập được những thông tin phong phú, riêng biệt ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Tại mỗi cuộc giám sát, khảo sát, đoàn không chỉ làm việc với
các cơ quan quản lý nhà nước mà đều tiến hành giám sát, khảo sát thực tế tại cơ sở. Mỗi cuộc giám sát chuyên đề được thực hiện trong thời gian dài, tại nhiều cơ quan, đơn vị, từ các cơ quan quản lý cấp tỉnh đến các cơ sở nên thông tin thu thập được ở diện rộng, đa chiều.
Việc xây dựng các báo cáo giám sát được thực hiện nghiêm túc, khoa học. Qua đó, các ĐBQH tỉnh đã chỉ ra các hạn chế của các đơn vị được giám sát, khảo sát; đồng thời có các kiến nghị đối với các cơ quan liên quan. Những ý kiến, kiến nghị của các đơn vị được giám sát, khảo sát được Đoàn ĐBQH ghi nhận và đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương liên quan, và UBND tỉnh xem xét, giải quyết. ĐBQH là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và nhân dân cả nước. ĐBQH tỉnh Hải Dương luôn liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương là thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp để lắng nghe và giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị. Ngoài ra, mỗi cá nhân ĐBQH đều thường xuyên tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu quan tâm. Trong những năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đã có nhiều đổi mới trong công tác tiếp xúc cử tri như rút gọn thời gian đọc báo cáo, dành nhiều thời gian hơn để cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nêu những kiến nghị của mình. Thay vì chỉ ghi nhận, tiếp thu, các cuộc tiếp xúc cử tri đều có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, các sở, ngành để giải trình, làm rõ các vấn đề cử tri kiến nghị. Trong công tác tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân giúp cho việc gắn kết giữa cử tri và người đại biểu dân cử ngày càng mật thiết hơn. Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương và Thường trực HĐND tỉnh phối hợp thực hiện tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV với tinh thần đổi mới theo hướng tăng số lượng cử tri là người trực tiếp lao động sản xuất, tăng phần giải trình trả lời của các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có liên quan. Những sự đổi mới này được các cử tri đồng tình ủng hộ vì hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng được cải tiến, đi vào thực chất hơn.
Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thời gian qua được Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm túc bởi tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, mà còn ảnh hưởng đến vấn đề ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong công tác tiếp công dân, Đoàn ĐBQH đã có sự phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng lịch tiếp công dân định kỳ, bố trí lịch tiếp công nhân tại cơ quan khi công dân có yêu cầu phản ánh về các chế độ, chính sách; phân công công chức Văn phòng Đoàn thường xuyên có mặt tại trụ sở để tiếp nhận ý kiến, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Với những đơn khiếu nại, tố cáo của công dân từ các nguồn, Đoàn ĐBQH xử lý chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời theo dõi quá trình xử lý, giải quyết để bảo đảm quyền lợi của cử tri.
Trải qua 75 năm hoạt động, với trọng trách là người đại biểu của nhân dân, các ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong hoạt động thực hiện hoàn thành chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri và nhân dân. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, sát với chương trình hoạt động của Quốc hội và tình hình, nhiệm vụ cụ thể của tỉnh trong công tác giám sát, tham gia xây dựng luật, pháp lệnh và quyết định các vấn đề lớn của đất nước.